mỌi người xin hãy cố đọc đến chữ cuối cùng nhá ...
Vừa nhắc đến xe buýt, các học sinh câm điếc của trường Hy Vọng, Q.Bình Thạnh đã không kìm được bức xúcSinh ra không lành lặn là một nỗi bất hạnh, lẽ ra họ phải được cộng
đồng nâng đỡ, ưu ái. Thế nhưng, đã có những người khuyết tật, mà lại là
trẻ con, phải lên tiếng kêu cứu vì bị đối xử không công bằng!
Người câm lên tiếngCuối tuần qua, chúng tôi nhận được lá thư đầy bức xúc của một học sinh
bị câm điếc: "Con là Ngô Hoàng Phúc, hiện cư ngụ tại đường Tôn Thất
Thuyết, P.3, Q.4 (TP.HCM). Con bị khuyết tật câm điếc, hiện đang là học
sinh lớp 8 trường Hy Vọng, quận Bình Thạnh (TP.HCM). Vừa qua, nhờ sự
giúp đỡ của Sở Giao thông vận tải TP.HCM mà con có được thẻ đi xe buýt
miễn phí để ngày 2 buổi đến trường. Con cố gắng học tập tốt để khỏi phụ
lòng ba mẹ và cô chú đã giúp đỡ cho những trẻ tàn tật như con được đến
trường bằng xe buýt... Nhưng hôm nay ngày 17.9.2008, trên đường con đi
học về trên chiếc xe biển số 53V - 16..., khi xe đến bến Vân Đồn thì
tiếp viên kêu con đưa tiền xe. Con ra hiệu là mình bị câm điếc, rồi đưa
chiếc thẻ đi xe miễn phí dành cho người tàn tật cho chú xem, không ngờ
chú ấy giật và quăng luôn cái thẻ xuống đất. Con không có tiền, chú
đuổi, không cho con ngồi trên xe. Từ đó con đi bộ về nhà. Chiều đó, con
vừa đi vừa khóc. Buồn quá. Con nghĩ con có làm gì đâu mà chú quăng thẻ
và đuổi con xuống xe".
Phúc cho biết trong hơn 4 tháng qua, rất nhiều lần em bị xe buýt "làm
ngơ" vì biết em là người khuyết tật đi xe bằng thẻ miễn phí. Với suy
nghĩ trẻ con, Phúc cho rằng mình "đi nhờ thì phải chịu". Nhưng, đến lần
này thì em không thể chịu nổi. Về nhà, Phúc kể với gia đình chuyện vừa
xảy ra rồi xin nghỉ học vì tủi thân. Gia đình đã phải liên hệ với nhà
trường nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ, khuyên can. Không ngờ, câu chuyện
của Phúc như "chiếc chìa khóa" mở ra những nỗi buồn tương tự từ những
người bạn đồng cảnh ngộ của em ở trường Hy Vọng Bình Thạnh.
Nỗi buồn của em Ngô Hoàng Phúc sau khi kể câu chuyện đi xe buýt của mình - Ảnh: L.A.Đ
Chiều 19.9, khi biết có phóng viên đến trường, hơn 20 học sinh câm điếc
của trường Hy Vọng Bình Thạnh xin gặp để bày tỏ tâm tư của mình. Theo
cô giáo chủ nhiệm, đây là số học sinh khuyết tật được cấp thẻ đi xe
buýt miễn phí. Không nói được, các em đã viết ra giấy gửi cho chúng tôi.
Đây là tâm sự của một học sinh tên Huyền. Em viết như thế này: "Em
Huyền bị xe buýt bỏ nhiều lần nên phải đi học trễ giờ. Có lần đón hoài
xe không dừng, em Huyền phải đi bộ đến trường, em Huyền mệt lắm. Xe
buýt hung dữ quá, la và đuổi em Huyền hoài. Em Huyền ghét xe buýt
số...".
Còn em Hạ viết: "Buổi sáng em kêu xe buýt để đến trường nhưng người ta
không cho em lên. Đến khi lên được một xe buýt khác thì bị người ta
chửi vì em đi thẻ miễn phí. Đến khi xuống xe thì người ta không cho,
chạy thẳng luôn, em phải đi bộ trở lại, xa quá, em mệt quá...”.
Cô giáo chủ nhiệm lớp cho biết nỗi khổ lớn nhất của các em là bị xe
buýt bỏ rơi. Thời gian đầu, khi chưa quen mặt thì xe buýt rước, trả
nghiêm túc. Sau đó, biết các em đi xe miễn phí thì "làm ngơ", bỏ bến
nếu thấy các em mặc đồng phục, đứng đón xe một mình.
Chưa kể khi ngồi trên xe các em còn bị phân biệt qua việc tiếp viên la
rầy, lườm liếc, thậm chí còn bị yêu cầu xuống xe khi các em chưa đến
bến. Khổ hơn nữa, do không nói được nên mỗi lần muốn xuống xe ở trạm
nào đó, cách duy nhất các em thực hiện là bấm chuông. Nhưng không biết
do chuông hư hay cố tình không nghe mà tài xế thường chạy một đoạn rất
xa mới ngừng lại, khiến các em phải đi bộ thật lâu...
Câu chuyện của các em nghe sao mà đau lòng! Vậy mà theo các em và các
cô giáo, là chưa thấm vào đâu so với những người khuyết tật vận động.
Một em bị câm điếc (thông qua cô giáo) diễn tả cảnh đón xe của một
người bị liệt hai chân: "Chú ấy đứng ngay trạm đón xe nhưng xe không
ngừng tại trạm mà chạy một đoạn thật xa. Chú phải dùng đôi nạng gỗ bước
đi thật nhanh giống như con robot, khi vừa đến cửa thì xe đã chạy.
Không đi được, chú phải hì hục trở về trạm ngồi chờ chuyến xe sau".
Đi tìm đạo lýCũng trong chiều 19.9, chúng tôi tìm đến Công ty 27.7, nơi có nhiều
người khuyết tật vận động đang làm việc. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu
về chuyện đi xe buýt của người khuyết tật, cả lãnh đạo công ty lẫn quản
đốc phân xưởng chỉ nói một câu: "Anh xuống phân xưởng sơn mài, gặp trực
tiếp những người khuyết tật, họ sẽ kể cho nghe".
Và tất cả những người khuyết tật mà chúng tôi tiếp xúc đều buồn rười
rượi khi kể câu chuyện của mình. Trong số đó, chị Liên cho biết: "Tôi
bị liệt hai chân, nhà ở sau khu du lịch Suối Tiên (quận 9, TP.HCM).
Công việc ở công ty (quận Bình Thạnh) bắt đầu từ 8 giờ 30 nhưng tôi
phải rời khỏi nhà lúc 5 giờ sáng bằng xe lắc tay. Ra đến khu du lịch
Suối Tiên, gửi xe lắc thì gặp ngay bến xe buýt. Dù vậy, cả tôi và nhiều
chị em khác cùng cảnh ngộ ít khi nào được lên xe ở bến. Mỗi lần chúng
tôi hỏi "xe sắp chạy chưa" thì hầu như đều gặp những cái lắc đầu hoặc
phất tay dù xe họ chuẩn bị rời bến.
Cách đây mấy hôm, ba chị em khuyết tật chúng tôi ngồi rơi nước mắt khi
một chủ xe thẳng thừng đóng cửa dù mới đó họ đón mấy người khách lên
ngồi trên xe. Sau những lần như vậy, chúng tôi phải leo lên cầu bộ
hành, vượt sang trạm bên kia đường để đón xe cùng những hành khách
khác. Buồn hơn nữa là những lần bị kéo gấp xuống khi xe chưa dừng hẳn,
rồi bị té lăn cù vì không nhanh chân leo kịp lên xe… Tủi thân lắm nhưng
biết làm sao vì mình còn phải lo cuộc sống".
Cô Nguyễn Thị Thân, Hiệu trưởng trường Hy Vọng Bình Thạnh nói: "Chẳng
thà không cấp thẻ miễn phí, chứ cấp thẻ mà bị đối xử như thế này chẳng
khác nào xúc phạm các em". Để đối phó với chuyện bị "bỏ rơi", cả những
em học sinh của trường Hy Vọng lẫn những công nhân khuyết tật của Công
ty 27.7 phải chọn giải pháp: hoặc không đi xe buýt, hoặc chờ có ai đó
đứng đợi xe ở trạm thì mới xuất hiện để được lên xe. Tất nhiên, theo
những người trong cuộc, trong số các xe buýt cũng có những chủ xe, tài
xế tốt bụng, rất ân cần tử tế với họ nhưng đáng tiếc là số người này
lại không nhiều.
Sáng 22.9, mang bức xúc của những người khuyết tật đến Trung tâm điều
hành xe buýt, chúng tôi hy vọng được phản ảnh những chuyện như trên với
người có trách nhiệm. Tuy nhiên, sau một hồi được "chỉ qua, chỉ lại"
chúng tôi phải ra về vì ở đây... chưa nhận được đơn thư phản ánh. Ngay
cả chúng tôi, những nhà báo, cũng chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi
về đạo lý trong cách hành xử với người khuyết tật!